Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

TU THEO PHƯƠNG TIỆN &TU BẰNG TRÍ TUỆ.
Con người chúng ta luôn có xu hướng suy nghĩ nhiều, nhưng để suy nghĩ làm sao cho đúng, thì không ai biết cách hết. Do đó đa phần trong tất cả chúng ta, là nếu có ai suy nghĩ nhiều, thì thường mang theo nhiều đau khổ, có khi đến thành tâm bệnh luôn. Vì thế để tránh suy nghĩ nhiều, nên người ta khuyến khích nên đi làm việc này việc nọ tối ngày, hòng để quên những vấn đề mình đang suy nghĩ đi. Và trong tu hành cũng vậy, “tư là nghiệp”, cho nên người ta đã chế ra nhiều pháp môn phương tiện bên ngoài, như tụng kinh, trì chú, bái sám, niệm Phật vv. Để chúng ta thực hành thâm nhập từ từ vào Phật pháp, và cũng là để quên đi cái dòng suy nghĩ nguy hiểm bất tận bên trong kia.
Vậy suy nghĩ đúng là gì? Là cách nghĩ cởi mở theo hướng tích cực để vượt qua khổ đau, để khi chúng ta càng suy nghĩ, thì càng nhìn thấy ánh sáng giải thoát trong tự tâm mình. Nói rõ hơn là khi chúng ta càng suy nghĩ nhiều, thì càng cảm thấy an vui hạnh phúc, thì đó  mới có thể gọi là cách suy nghĩ đúng vậy…
Và thông qua hai điều nêu trên, thì trong tu hành chúng ta cũng có hai cách tu, căn bản là từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao. Đó là cách tu bằng phương tiện bên ngoài, và cách tu bằng trí tuệ nên trong. Và với hai cách tu này, thì được gọi là tha lực và tự lực, nó khế hợp với hai mặt âm dương, ý thức và vô thức trong tinh thần con người. Và đó cũng chính là con đường để khám phá tất cả bí mật của vũ trụ này vậy. Vì người đắc đạo là sẽ thấy hết trong tâm lý con người thế gian, gọi là nhân sinh quan, và họ cũng đã khám phá ra hết cái thế giới bên ngoài, gọi là thế giới quan, hay còn gọi là vũ trụ quan cũng được. Vì vũ trụ này, thật ra thì nó cũng giống như một con bạch tuột khổng lồ, luôn chuyễn động trong không gian, cho nên nó luôn giãn nỡ đầu này và co lại ở đầu kia. Và tại nơi nào có vật thể, không gian và thời gian, thì nơi đó vũ trụ đang giãn nỡ ra, còn nơi nào không có ba cái đó, thì vũ trụ sẽ co lại thành các hố đen và biến mất. Nhưng những gì xảy ra trong vũ trụ là rất lớn, nên chúng ta không thể đo lường được, vậy thôi.
Tu bằng phương tiện là tu tích môn, là người tu chọn lựa nhiều phương tiện để tu, như chúng ta thường vẫn phai đi nhiều con đường nhỏ vậy, là tu phước đức nhiều hơn. Vì anh cứ hành trì đọc tụng tối ngày mà, nhưng cái được ở đây cũng chỉ là tri kiến tục đế thế gian thôi. Còn tu bằng trí tuệ là “tự thắp đuốc lên mà đi”, là tu bản môn. Là chúng ta đi vào con đường lớn duy nhất trong bản tâm Phật tánh của mình, là đi đến giáp mặt chư Phật ba đời. Và chính con đường lớn bản môn này, mới là con đường chân đế giải thoát xuất thế gian.
Vậy tu dùng nhiều phương tiện bên ngoài, là tu tướng, là hiển giáo nhìn vô là thấy anh đang tu liền. Nhưng chúng ta cũng nên biết cái gì có hình tướng, thì đều có giới hạn cả. Thấy thì nhiều vậy đó, nhưng chẳng có bao nhiêu đâu. Vì tu phương tiện nói cho cùng, cũng chỉ là gõ mỏ đánh chuông ầm ỉ ở ngoài cửa mà thôi. Còn tu thiền định dùng trí tuệ là đi vô trong nhà rồi, là anh phải suy nghĩ hoài, đi đứng nằm ngồi, đi tiêu đi tiểu, chấp tác làm việc gì, thì cũng là tu. Thậm chí trong giấc ngủ, trong giấc mơ anh cũng phải giải quyết vấn đề sinh tử nữa, cho nên nó là vô hạn. Nhưng cái vô hạn này lại xảy ra âm thầm trong tâm của người hành giả, chứ không hiện tướng ra ngoài cho ai thấy hết. Vì đó là pháp tu tự lực ai tu náy biết, ai tu náy chứng thôi. Nhưng chỉ có con đường này thì mới giải thoát được khổ đau trên đời. Và thường những người giác ngộ vẫn mong muốn đem cái sở đắc của mình ra để cứu giúp đời. Vì sự ngu si, vô minh, cố chấp của con người trần gian là vô tận, cho nên trách vụ của những người đi khai hóa là khó khăn vô cùng.
Và bây giờ chúng ta hãy quay lại vấn đề tu nhiều phương tiện ở ngoài, như các con đường nhỏ gọi là tích môn, và tu trí tuệ bên trong bằng duy nhất một con đường lớn gọi là bản môn. Và từ hai điều này suy ra, qua đó nếu xét về hình thức, thì chúng ta thấy rằng, thực tại niết bàn, cũng sẽ được biểu thị như một cái kim tự tháp vậy, mà cái đỉnh của nó chỉ có một pháp vô vi duy nhất, gọi là niết bàn mà thôi. Còn cái đáy rộng lớn của nó thì chính là thực tại, luôn luôn thay đổi và xuất hiện rất nhiều các sự vật, hiện tượng không ngừng. Tuy nhiên xét về cái dụng bao trùm của nó, thì niết bàn lại là vô hạn, nhưng tĩnh lặng, Còn thực tại thì nhiều về mặt hình thức và sự chuyễn động, nhưng đó là thế giới hữu vi, cho nên nó sẽ bị một cái pháp vô vi vô hạn kia, bao trùm lên nó luôn. Và vì sao chúng ta lại hay nhắc đến thực tại niết bàn, là vì đây chính là cánh cửa của thế giới này. Và ai có được cái chìa khóa mở được cánh cửa đó, thì người đó sẽ mở được mọi cánh cửa khác của thế gian.
Và qua hai cái hữu vi và vô vi, thực tại niết bàn đó, chúng ta thấy rằng. Tạo hóa đã đặt ra những quy luật trái ngược bao phủ lấy nhau như thế này, là công bằng rồi còn gì nữa. Vì xét về mặt hình thức, thì các pháp hữu vi là lớn, là chuyễn động, còn một pháp vô vi là nhỏ, là tĩnh lặng. Nhưng xét ngược lại về nội dung, thì một pháp vô vi đó lại chứa đựng được tất cả các pháp hữu vi kia. Điều đó cũng giống như vật chất sẽ cho chúng ta sự thích thú bên ngoài, nhưng bên trong nó sẽ làm chúng ta đau khổ. Trái lại nếu người nào thấu hiểu được điều này, mà biết cách vật, ly dục, làm cho “tấm thân ngoại vật” được, thì họ sẽ sống một cuộc đời không còn bị ràng buột bởi vật chất nữa, nên họ sẽ vui thú tự do khoái lạc vô cùng. Vì thế cái gì cũng có cái giá của nó hết trơn à!
Vậy thì để xét về tu bằng các phương tiện thì sao?
Ví dụ như gần đây có các thầy giáo thọ tại học viện, thuyết giảng về pháp môn niệm Phật rằng, nó chỉ là pháp môn phương tiện, chỉ làm giảm đau khổ thôi chứ không có công năng giải thoát được đau khổ, như các ông tổ Tịnh Độ của Trung Quốc nói. Và các vị đó
cũng có nói thêm rằng, niệm Phật cũng không thể vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc được. Và chính điều này đã làm cho hàng Phật tử hoang mang, đa số chẳng biết làm sao. Thậm chí có nhiều người phản đối kịch liệt nữa.
Vậy nhân đây tôi cũng xin nói thêm về pháp môn Niệm Phật là như thế nào. Vì trước đây trong tự tâm của tôi, tự nhiên có rất nhiều đau khổ khủng khiếp, như là một căn bệnh thần kinh vậy. Và “khi cơn đau lên đầy, thì tình đã mê say”. Có nghĩa là mỗi lần nó nổi cơn lên vào khoảng 12 giờ trưa, là tôi phải gồng mình lên niệm Phật liên tục. Lúc đó cả người tôi toát hết mồ hôi ra, cho đến cơn bệnh giảm xuống và biến mất. Và cứ như thế mà tôi đã vượt qua đau khổ một cách thần kỳ. Tuy nhiên nhân đây nói chuyện tu các pháp môn phương tiện, thì theo căn tính của tôi, thì tôi đã dùng pháp môn bên ngoài là niệm Phật, để khống chế cơn điên xuống, sau đó tôi dùng trí tuệ để thấu hiểu cái đau khổ đó là gì là xong.
Vậy nên nói chung tu bất cứ pháp môn gì, mà muốn đo lường cái diệu dụng của pháp môn đó như thế nào, thì chúng ta phải dựa vào Tứ Diệu Đế mà xét. Vậy niệm Phật là tu phương tiện, dùng ý thức để khống chế vọng niệm xuống. Là đắp cái bờ cao bằng cách niệm Phật tương tục, không gián đoạn để vọng niệm không tràn lên được, mà làm tán loạn thân tâm ta. Pháp môn niệm Phật rất thù thắng, vì nó có thể ngăn cản quân ma, giúp chúng ta chịu đựng được đau khổ trong cuộc đời. Tuy nhiên để diệt được đau khổ, thì niệm Phật không thể đạt được. Mà nó chỉ có chức năng ngang với khổ đế, tập đế mà thôi, chứ không phải là diệt đế và đạo đế. Vì nếu bạn muốn đi vào diệt đế và đạo đế, thì chỉ có một cách duy nhất là phải dùng trí tuệ (không dùng phương tiện nào nữa) để suy tư quán chiếu thiền định, nhổ cái cội gốc của đau khổ lên. Và khi thực hành việc này, thì nó rộng lớn vô hạn như trời như biển vậy, chứ không đơn giản như dùng các pháp môn phương tiện có giới hạn đâu.
Vì tu phương tiện là tu tha lực, như đã nói ở trên, là để bớt khổ thôi, Còn tu tự lực theo kiểu dùng trí tuệ suy tư quán chiếu thiền định, thì mới mong thoát khổ được. Vậy lời nói của vị thầy giáo thọ đó theo tôi là chân xác, không sai. Là một sự thật theo nghĩa tự lực, khế hợp với chân lý. Còn nói như các ông tổ Tịnh Độ Trung Quốc cũng không sai, đó là nói theo nghĩa tha lực bằng nhận thức lý tưởng, nhằm khuyến khích người ta tu hành cho tốt hơn thôi. Và điều này nói theo hướng tha lực, thì đức Phật Thích Ca cũng đã khuyến khích chúng ta tu hành theo bản kinh A Di Đà (tiểu bổn) đó.
Vì niệm Phật, hay tu theo tất cả các pháp môn phương tiện bên ngoài nào cũng vậy, thì cái chỗ được cao nhất của nó, là tới chỗ cỏi trời Phạm Thiên là hết, chứ không thể nào tu để được giải thoát hoàn toàn để thành Phật được đâu. Tuy nhiên nếu chúng ta hiểu cách nói “thành Phật” ở đây không theo nghĩa tuyệt đối, mà đó chỉ là một cách nói để khuyến khích chúng ta phát triển cái Phật tánh trong mình lớn hơn lên. Vì thế toàn bộ ngôn ngữ của Phật học, vẫn thường là mang tinh thần tương đối, cởi mở, hiểu theo nội dung, chứ không hiểu theo câu chữ. Vậy thì những ai mang tinh thần cực đoan, nói một là một hì sẽ không thể linh hoạt, mà hiểu được Phật pháp đâu.
Cho nên đứng trên lập trường này, mà xét cái kia thì thấy nó sai, nhưng thật ra nó sẽ đúng trong cái định hướng của nó chứ. Và điều này chính là điểm đặc biệt thú vị của tư tưởng minh triết, khác hẳn với các lý thuyết triết học khô khan, lúc nào nó cũng muốn quy tất cả về cùng một mối, thì đâu có được. Vì về mặt lý thuyết, thì chúng ta sẽ thấy nó là logich, hợp lý đó. Nhưng trong thực tế tự nhiên thì không phải vậy đâu. Vì lúc nào trên đời này cũng luôn vận hành theo hai quy tắc, đó là hướng tới lý tưởng và hướng tới chân lý. Và điều đó sẽ đúng với tinh thần tha lực tu ở ngoài, và tự lực tu ở trong, trong việc tu hành của chúng ta. Vì thế tùy theo căn tánh của chúng sanh mà đức Phật Thích Ca nói pháp cho phù hợp, Và cho dù người ta có thể hiểu khác nhau về một bản kinh, nhưng cái mục đích hướng tới là cứu khổ, thì cũng đều là thành tựu hết. Do đó con người ta luôn sai ở chỗ, là lúc nào cũng cương quyết lấy cái khuôn mẫu tiêu chuẫn của mình biết, mình hiểu ra, để đo lường tất cả mọi thứ trên đời, thì mới sai lầm lớn vậy…
Vì tất cả những cái gì chúng ta quyết đoán là chắc đúng, thì cũng chưa chắc đúng đâu. Vì nó đúng theo tương quan chỗ này thôi, nhưng qua tương quan khác, hoàn cảnh khác, thì nó sẽ khác. Vì cái tinh thần của minh triết Phật Pháp, nó là sâu trong vô thức, mà vô thức là vận hành cân bằng tự nhiên xuôi theo dòng đời. Cứ chỗ nào thấp trũng, thì nó sẽ chảy tới đó lấp đầy, chứ nó không đúng cũng không sai, phải như thế này hoặc như thế kia mới được. Vì nó luôn mang tinh thần tổng hợp, và phải có hai ba cái hợp lại mà thành cái đó, thì cái đó mới có mặt trên đời. Đó chính là lý duyên sinh. Chứ không phải cái đó tự nó mà có, và tự nó tồn tại như vậy, dưới cái nhìn tuyệt đối chủ quan của chúng ta đâu.
Phàm ở đời, nếu con người không tự thân vận động, để tiến bộ hơn mỗi ngày, thì đó chỉ như là một cái thây chết mà thôi. Và đó chính là tinh thần hướng thượng của con người. Có nghĩa là thấy cái gì trên cao mà đẹp, thì mình cố gắng vươn lên phấn đấu tới đó, chứ không phải là ngồi ì dưới thấp, mà cố ý kéo người ta xuống thấp ngu dốt như mình. Và đây chính là một nghịch lý của phát triển xã hội. Nhưng vì cố chấp và ngã mạn, nên nó đã có mặt trong tinh thần con người của chúng ta ngày hôm nay. Và do đó nên mới có rất nhiều kẻ ham đọc sách và thích suy tư, nhưng suốt đời cứ rúc đầu vô những cái rối như tơ vò mãi. Tới lui cũng không được, suốt ngày chỉ ham thích hư danh mà thực lực không có gì cả. Trong khi mọi sự, mọi cái đã rõ ràng mà người ta đã giải quyết xong từ lâu lắm rồi. Vậy mà không cố học lấy những cái thành tựu có sẳn đó đi, để cải thiện bản thân, cải thiện đời sống của mình cho tốt hơn. Và điều này nếu đứng về mặt bình diện quốc gia, đất nước, dân tộc, thì thật là tai hại vô cùng.
Vì bây giờ, trí tuệ tư tưởng của loài người trên thế giới này, đã đến mức bảo hòa, không có khả năng phát triển thêm nữa. Điều đó cũng có nghĩa là, cái gì gì thì nhân loại này cũng đã biết hết trơn hết trọi rồi. Là minh triết và triết học đó. Vậy thì cứ xem xem trong tất cả cái đống tư tưởng của nhân loại đó. Cái nào hay, cái nào thiết thực không mơ hồ ảo tưởng, cái nào làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, thì đem ra áp dụng thế là xong, đơn giản vậy thôi. Còn cái nào cản bước tiến của dân tộc thì vứt đi, đổi mới đi, chứ cần chi tự suy nghĩ ra bậy bạ hoài cho nó mệt hả trời? Và vấn đề quốc gia đại sự này, cũng chỉ như vậy mà thôi, có gì đâu.
Tuy nhiên làm cái gì thì cũng phải theo trình tự từ thấp tới cao, từ ngoài vô trong, thì nó mới thành tựu viên mãn được. Nó giống như một đứa bé chưa có răng thì phải bú sữa, khi có răng non thì ăn cháo, và sau đó có răng cứng cáp rồi, thì mới ăn cơm được. Rồi đứa bé đó dần dần lớn lên. Đầu tiên là biết lật, rồi đến biết ngồi, biết bò, sau đó mới biết đi lẫm đẫm. Và sau đó nữa là biết chạy nhảy đi chơi, đi học và lớn lên làm người. Cho nên cái gì phát triển được thì cũng phải theo con đường này, cho dù là sự đốn ngộ bừng sáng đi nữa thì cũng vậy, nhưng chỉ có điều là nó không lộ ra ngoài mà thôi.
Vì thế sở dĩ có một con người nào đó, đã đạt được một tư tưởng cao ngất ngưỡng trong nhân gian rồi. Là vì trước kia họ cũng đã làm được hết những cái nhỏ nhặt trong tầm tay mình rồi. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch, không thể sai khác cho mọi vấn đề, sinh ra và lớn lên trong trời đất này. Và chỉ có những kẻ nào không có tư tưởng, thì mới không hiểu được điều này thôi. Vì anh không tự lực làm lụng học hành nuôi sống bản thân, đấu tranh với cái ác, thì làm sao anh hoàn thiện bản thân anh được, làm sao anh tồn tại được. Và nếu anh không tồn tại được, thì làm sao anh phát triển lên cao như vậy được. Hoặc anh không tự lực đánh bại các đại ma vương, trong tinh thần của thế giới từ xưa tới nay, thì làm sao anh đắc đạo được. Và nói đơn giản nếu anh không biết niệm Phật, tu tập bằng các phương tiện nhỏ bên ngoài, thì làm sao anh có thể thâm nhập Phật pháp bằng trí tuệ, để đại thắng tất cả quân ma trên giang hồ được. Vì khi anh nắm được cái gốc của vạn pháp rồi, cũng như anh đứng trên đỉnh cao của trí tuệ thế gian rồi, thì cái gì mà anh không nhìn thấy hết chứ, và lúc đó thì anh có thể làm được hết mọi thứ rất dễ dàng…
Vậy nên tu phương tiện là tu bước đầu, còn nếu căn tánh sáng lẹ, thì về sau hãy tu trí tuệ thì tốt hơn. Vì tu phương tiện là tu phước đức nhiều hơn. Vì khi anh siêng năng tinh tấn tu hành mỗi ngày, thì người ta nhìn vào sẽ ngưỡng mộ anh, sẽ khen anh là giỏi và sẽ cúng dường cho anh thật nhiều tiền bạc, để anh sống thoải mái mà tiếp tục tu tiếp. Nhưng nếu anh không có khả năng tu trí tuệ để giải thoát, thì một con người tu hành tinh chuyên, có hạnh tốt như thế thì cũng tốt rồi, có sao đâu. Và nếu anh có trí tuệ bằng trời, mà lười biếng bỏ bê kinh kệ, trốn tránh không chịu làm chấp tác, thì đại chúng sẽ xa lánh, thậm chí anh còn có thể bị đuổi ra khỏi chùa, thì cái trí tuệ lớn lao kia của anh phỏng có ích gì không. Tuy nhiên bất cứ con người có trí tuệ lớn nào, thì cũng đều có nhân cách lớn hết, và họ sẽ không bao giờ sống, để người ta nói nặng nói nhẹ mình cả. Vì thế tu phước lúc nào cũng cần phải có, thì anh mới tồn tại được. Và nếu anh có tồn tại được rồi, thì sau đó anh mới mong làm được cái gì đó cho đời. Chứ anh sống mà cái hạnh không tốt, không biết điều, thì chắc chắn dù cho anh có giỏi cách mấy đi nữa, thì cũng sẽ thất bại thôi. Và hai điều này là lẽ sống của mỗi con người trên đời, chứ không riêng chi là phải đi tu trong chùa thì mới có đâu.
Thật ra tu bằng nhiều phương tiện, là có đến 84 ngàn pháp môn, là cho khắp hết các căn tánh cao thấp trong nhân gian, là sinh ra sau này thôi, nhất là khi đạo Phật được truyền bá đi rộng khắp thế giới rồi. Và từ đó mới sinh ra hơn cả chục môn phái khác nhau ở Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản vv. Và trong mỗi môn phái lại sinh ra nhiều nhánh khác nhau là để giao hòa, khế hợp với cái truyền thống văn hóa thờ cúng dân gian của cái xứ sở đó. Nên mới có nhiều phương tiện tu tập được lập ra như vậy. Tuy nhiên chỉ có hai Pháp môn là Tịnh Độ và Thiền là đại diện chính. Vì hai pháp môn đó luôn khế hợp với hai cái tinh thần đặc trưng, là ý thức và vô thức của con người. Nhưng trước khi thành Phật thì thái tử Tất Đạt Đa đi tu theo ngoại đạo khắp nơi, và cũng là tu thiền định mà thôi. Vì thiền định không có nghĩa là dừng suy nghĩ lại, mà là phải suy nghĩ thêm cho thông suốt hơn, đến khi nào không còn cái gì mắc kẹt trong tâm nữa, là hết khổ, là đắc đạo thành Phật.  Vì thế thái tử Tất Đạt Đa suốt ngày cứ ngồi dưới gốc cây quán niệm hơi thở, và suy tư quán chiếu thiền định bên trong vô thức riết, mà thông suốt tinh thần mình rồi thành Phật luôn, chứ có dùng phương tiện gì đâu.
Vậy thì tu phương tiện thì dễ tu, nhưng càng tu lên cao rồi, thì dần dần phải bỏ bớt phương tiện đi, thì mới vô bản môn mà tu trí tuệ được. Và đó là bạn biết cách tu vừa dùng tha lực, vừa dùng tự lực để cho ngày một tiến bộ hơn. Tuy nhiên nếu không thể tu tự lực được thì cũng không sao, thì quá lắm là bạn không thể giải thoát khổ đau được thôi. Nhưng chắc chắn rằng nếu ai không tu tha lực, thì sẽ không thể tồn tại được ở trên đời này. Vì tu tha lực là chúng ta học tập và rèn luyện cái hạnh, cái thái độ sống ở đời, là sống trong cõi đời tục đế thế gian cho tốt cái đả. Vì Phật pháp thì không bao giờ rời thế gian pháp. Cho nên nếu anh không sống được trong thế gian, thì làm sao nói đến thành cái gì ngoài thế gian được chứ.
Vì người ta đóng một con thuyền xong, không phải là để nó nằm bình an im lìm một chỗ, mà nhất định là nó sẽ phải dong buồm ra biển khơi. Và con người cũng vậy, chẳng ai mơ bình an mà được cả. Chỉ có điều ai biết kiếm tìm bình an trong những cơn bão tố, thì đó mới là bình an thật sự. Vậy điều này nói lên cái khả năng tự học, tự tu của đạo Phật, là sẽ được ứng dụng rộng khắp mọi nơi, mọi chỗ, không trừ hoàn cảnh và giới hạn nào. Vì tu là tu trong từng hơi thở, khi đang còn sống đây với thế gian này. Và đừng đổ thừa vì công việc bên ngoài nhiều quá mà khó tu. Vấn đề là cái tâm của mình luôn hướng về tam bảo, luôn hướng về Phật pháp, và luôn giữ chánh niệm. Điều đó có nghĩa là, theo tôi, thì lúc nào tôi cũng niệm Phật được, và cũng luôn suy nghĩ cho ra mọi vấn đề thì mới thôi. Và có kiên trì nhẫn nại lâu dài như vậy, thì sẽ hết khổ, chứ chẳng có cái phép thần thánh nào, đùng một cái là được ngay đâu.
Và chúng ta biết rằng, nếu tâm mình do tu trí tuệ mà vô định rồi, là mười năm cũng chưa ra định, chứ nói chi mấy tiếng đồng hồ. Vì cái tâm mình trong đó đã hết tranh đấu lăng xăng rồi. Mà nó là một cõi bình yên lâu dài, mãi mãi. Tuy nhiên trong cái tâm thế nhập đại định như vậy, thì cái ý thức bên ngoài của mình vẫn hoạt động, vẫn làm việc Phật sự, vẫn tụng kinh bái sám, vẫn tham cứu học hỏi và hoạt động như thường. Còn những ai nghĩ rằng vào định, nhập định là toàn thể thân tâm lặng yên vắng bặt, không còn suy nghĩ lay động gì nữa, thì điều đó không sai. Nhưng đó chẳng qua là tu còn non nớt lắm, thì họ mới làm vậy, mà không thể hòa nhập vào cái cuộc đời sôi động này được. Vì khi bạn làm chủ được cái tâm của mình rồi, thì bên ngoài có làm gì đi nữa, thì cũng không thể tác động vào đó được đâu. Và cái đó chính là cái cảnh giới cao nhất của việc tu trí tuệ bên trong của chúng ta đó.
Hãy nhớ! Trong tâm mình chỉ có tình thương với đời thôi là hết khổ, cho dù tình thưong đó, mình cũng chẳng giúp ích gì cho đời được cả. Nhưng nếu trong tâm mình, chỉ có oán hận, căm ghét cuộc đời, thì mình sẽ rất khổ, và cho dù mình cũng chẳng làm hại gì được ai cả. Vì thế nói thượng đế công bằng, là công bằng ở chỗ này đây. Vì những người ở ác, phá giới, hay biết tạo nghiệp mà vẫn làm, thì nó đều huân tập vào vô thức hết. Và cho đến khi chết, thì những người làm ác này, sẽ ra đi rất khó khăn. Còn những người lương tâm vô tư thánh thiện, thì khi chết sẽ rất nhẹ nhàng, an lạc. Vì lúc đó vô thức đã bình yên, và khi ý thức mờ nhạt và mất đi, thì họ sẽ đi luôn, không còn vật vã hấp hối nữa. Còn những kẻ ích kỉ hẹp hòi, ganh đua, hay ám hại người khác, thì những kẻ đó sống có bao giờ được hạnh phúc đâu. Cho nên khi chết thì tất cả phải dồn tới thành một cục, mà phải trả cho hết thôi. Vì ở trong vô thức nó vận hành qua lại rất công bằng, và nơi đó là nghiệp chướng, cả đời đã tạo ra một cục nằm ở đây. Cho nên khi chết thanh thản hay đau khổ, là cũng ở chỗ này đây. Vì khi sắp chết ý thức con người sẽ mờ nhạt, nên chẳng có ai tự chủ được cả. Lúc này vô thức còn hoạt động, và nghiệp chướng nhiều ít là đây, và nó sẽ hành hạ bạn như thế nào, là do bạn trước kia đã sống như ra sao, rồi sẽ phải gánh chịu như thế đó thôi.
Tóm lại, đi tu thì chắn chắn trước tiên bạn phải tu bằng nhiều phương tiện rồi. Và vì nương theo các phương tiện đó, để chúng ta được dẫn dắt tới trước ngôi nhà tâm của mình. Và tu bằng phương tiện là tu tha lực, luôn luôn cần có người dạy. Nhưng khi bạn đã tự thân tự lực, dùng trí tuệ suy tư quán chiếu mà tu vào bên trong, là bạn đã biết bước vô trong nhà rồi, thì ở đây bạn phải tự mình mà đi, chứ không có ai dẫn dắt bạn được cả. Vì những gì xảy ra trong vô thức, là những trãi nghiệm vô hình, không thể diễn tả bằng lời được. Bạn cứ tự tu tự chứng ở đây, và phần thưởng của bạn là sẽ thấy thân tâm mình an lạc, hạnh phúc vô cùng...
Kính chúc các bạn dấn thân lên đường may mắn nhé!

Hà Hùng
Thích Hoằng Toàn.
4.11.2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét