Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Yếu Chỉ Tham Thiền Thiền Sư Hư Vân

Yếu Chỉ Tham Thiền - Thiền Sư Hư Vân

Yếu Chỉ Tham Thiền
Thiền Sư Hư Vân

Dịch Giả: Thích Hồng Nhơn
Trích: Hư Vân Pháp Vị

 A. Điều kiện tiên quyết của tham thiền

Mục đích của tham thiền là để minh tâm kiến tánh, tựu trung nhằm dứt bỏ vọng niệm ô nhiễm trong tự tâm, thấy chắc thực mặt mủi của tự tánh. Ô nhiễm là những phần vọng tưởng, chấp trước, tự tánh là phần đức tướng, trí huệ của Như lai. Trí huệ đức tướng này, chư Phật và chúng sanh đều có đủ, không hai không khác. Nếu xa lìa hết vọng tưởng chấp trước, liền tự chứng được trí huệ, đức tướng Như lai của chính mình, đó là Phật, ngược lại chấp trước, vọng tưởng là chúng sanh. Chúng ta, từ vô lượng kiếp đến nay, mê đắm sanh tử, ô nhiểm nhiều đời, nên không thể tức khắc thoát ly vọng tưởng, thấy được bổn tánh. Do đó, cần yếu phải tham thiền, vì điều kiện tiên quyết của tham thiền là trừ vọng tưởng.

Phương pháp trừ vọng tưởng, đức Thích Ca Mâu Ni nói rất nhiều. Phương pháp đơn giản nhất là: "Hét tức Bồ Đề". Chữ hét trong Thiền tôn do Tổ sư Đạt Ma truyền sang Đông độ. Đến Lục Tổ Huệ Năng về sau, Thiền tôn truyền bá rộng rãi, vang tiếng mẫu mực xưa nay. Tổ Đạt Ma và Tổ Huệ Năng khai thị cho người học rất nhiều không ngoài câu bỏ hết các duyên, đừng sanh một niệm. Đây là điều kiện tiên quyết cho người muốn học tham thiền. Nếu không làm được đúng mức câu dạy trên, người tham thiền không thể thành công. Người muốn vào cổng Thiền, không dứt bỏ các duyên, mỗi niệm sanh diệt, dù có nói hay luận giỏi cũng chỉ là nói suông mà thôi, chẳng có lợi ích gì!

Bỏ hết các duyên, đừng sanh một niệm, là điều kiện chủ yếu của tham thiền, ai cũng đều biết, nhưng ít ai có thể đến địa vị ấy được, vì đừng sanh một niệm là thẳng đến vô sanh, mau thành chánh giác, không chấp sai lầm, hiểu rõ lý sự, biết tự tánh xưa nay vốn thanh tịnh, sanh tử bồ đề, phiền não niết bàn đều là tên giả, vốn không can hệ gì với tự tánh. Mọi sự vật đều là bóng bọt trong mộng. Thân tứ đại của ta và núi sông, quả đất ở trong tự tánh chúng ta, không khác gì hòn bọt nhỏ trên bể cả, dù nổi dù chìm cũng không ngại gì với bản thể. Chúng ta đừng chạy theo tất cả những điều sinh, trụ, dị, diệt mà khởi ra lòng ưa chán, lấy bỏ, dẹp hết ý nghĩ về thân, tưởng mình như người đã chết, tự nhiên căn trần, thức tâm tự nhiên tiêu diệt, các nghiệp tham sân si ái cũng hết. Những cái xẩy ra về thân như đau khổ, đói lạnh, no ấm, vinh nhục, sống chết, họa phước, tốt xấu, khen chê, được mất, an nguy, hiểm bình, tất cả đều dẹp bỏ ra ngoài, vĩnh viễn buông bỏ, gọi là "bỏ hết các duyên". Nếu "bỏ hết các duyên" rồi thì vọng tưởng tự tiêu, tâm phân biệt không khởi lai chấp trước, xa lìa đến bậc ấy thì "không còn sanh một niệm", ánh sáng tự tánh toàn thể hiện bày. Đến đây, điều kiện tham thiền đã đủ rồi, liền dùng công phu chơn tham, thiệt cứu, chắc chắn có phần minh tâm kiến tánh.

Gần đây có nhiều thiền sinh thường ưa vấn thoại. Thực ra, pháp vốn không pháp, lạc vào ngôn từ đều không phải là nghĩa thực, vì tâm này xưa nay vốn là Phật, không có việc gì khác. Nếu mọi người nói tu, nói chứng, đều là lời của Ma nói. Tổ Đạt Ma đến Đông độ đã "chỉ thẳng lòng người, thấy tánh thành Phật". Chỉ bày thực rõ ràng, tất cả chúng sanh ở trong đại địa này đều là Phật. Thẳng đó nhận được tự tánh thanh tịnh này, tùy thuận không ô nhiểm, trong 24 giờ đi đứng ngồi nằm, tâm đều không có gì khác (không chạy theo vọng tưởng) chính lúc ấy là lúc thành Phật, không cần dùng tâm, dùng sức, cũng không cần có làm, không làm, không cần mảy may nói chuyện, suy nghĩ. Vì thế, thành Phật là một điều rất dễ dàng, rất tự tại, tất cả đều do ta muốn thành Phật hay không mà thôi, không cần nhờ ai ở bên ngoài giúp đỡ cả. Nếu chúng ta không muốn nhiều kiếp trầm luân trong bốn loài, sáu nẽo, chịu khổ mà muốn thành Phật, chỉ cần tin chắc lời Phật tổ, bỏ hết các duyên thiện ác, đừng suy nghĩ tới, vì thế có thể lập địa thành Phật, vì chư Phật, Bồ Tát và lịch đại Tổ Sư, phát nguyện độ hết tất cả chúng sanh, sao chúng ta không phát đại nguyện một đời thành Phật!

Từ trước đã nói, pháp Phật như thế, trong kinh Phật và Tổ đã hết lòng căn dặn, lời vàng chơn thiệt, không chút dối trá. Vì tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay mê đắm sinh tử, sanh lên lộn xuống, sống chết không thôi, mê hoặc điên đảo, bỏ giác theo trần, giống như vàng ròng pha lẫn bùn cát, nên không thể dùng được, vì bị nhiều ô uế pha lẫn. Đức Phật vì lòng đại bi, bất đắc dĩ nói ra 8 vạn 4 ngàn pháp môn, tùy theo căn khí chẳng đồng của chúng sanh dùng để đối trị với tham sân si ái, 8 vạn 4 ngàn tập khí bệnh tật, như vàng lộn với các thứ bùn than dơ bẩn, nên dạy dùng nước, dùng vải, dùng hóa chất để phân chất lọc thành vàng y. Pháp của Phật nói ra đều là Diệu Pháp, đều có thể dùng tu hành thoát ly sanh tử, thẳng đến thành Phật. Chỉ có người truyền bá Diệu Pháp có hợp cơ, hay không hợp cơ, vì thế đừng chia pháp môn này cao, pháp môn kia thấp. Ở Trung Quốc truyền nhiều pháp môn, nhưng có bốn pháp môn phổ thông nhất là Thiền, Giáo, Tịnh, Mật. Các pháp môn đều thâm diệu, tùy theo người học hợp với căn tánh và hứng thú mà thực hành một pháp môn, đều có thể thành tựu Phật đạo. Điểm cốt yếu là ở trong một pháp môn, thâm nhập không thay đổi, sẽ được thành tựu.

Source link --> Trong Thiền tông chủ yếu là tham thiền, tham thiền chủ yếu được "minh tâm kiến tánh"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét