Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Nhớ ngày “ông Táo về trời” 23 tháng Chạp hàng năm

Nhớ ngày “ông Táo về trời”

Thờ cúng ông Táo là một tập tục tín ngưỡng phổ biến đối với gia đình người Việt. Việc cúng thờ thường nhật có thể nhớ hoặc quên nhưng ngày tiễn ông Táo 23 tháng Chạp hàng năm hầu như ai cũng nhớ.
Đây cũng là “điểm mốc” nhận biết ngày Tết đã thật sự đến. Bởi, từ ngày “ông Táo về trời” trở đi, nhà nhà đều nô nức đi mua sắm, dọn dẹp, trang hoàng, chuẩn bị mọi thứ trong không khí khẩn trương, tất bật hơn.



Theo tục cổ truyền, ngày 23 tháng Chạp, gia đình ông Táo sẽ trở về trời bẩm báo Ngọc Hoàng chuyện dưới trần gian và xin ý chỉ cho năm kế tiếp. Ngày này cũng được xem là sự chuyển giao năm cũ sang năm mới, là tập tục tốt đẹp luôn được người già nhắc nhở con cháu giữ gìn. Vì vậy, việc tiễn "ông Táo về trời" được chuẩn bị khá chu đáo. Ở miền Bắc, người ta chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn và thả 3 con cá chép. Cá chép với ý nghĩa phú quý, có sức vượt vũ môn sẽ đưa "ông Táo về trời" nhanh chóng. Ở miền Trung, "ông Táo về trời" bằng ngựa nên lễ tiễn ông phải có một con ngựa giấy. Ở miền Nam, đa số gia đình đều cúng bữa ăn ngọt như chè, xôi, bánh, trái cây, hàm chứa ý nghĩa mong ông Táo sẽ bẩm báo lại những lời ngọt ngào cho nhân gian được nhờ. Đó là những quan niệm chung, còn ở mỗi tỉnh, mỗi vùng lại có thêm nhiều tập tục khác biệt. Ngày nay, theo hành trình di cư làm ăn, học tập, sự giao thoa giữa các vùng, miền đã làm các ngày lễ thêm phần phong phú, chẳng hạn cùng một ngày tiễn ông Táo mà nhiều người có những cách tiễn khác nhau. Nhờ vậy, người ta mới nhận ra văn hóa lâu đời của người Việt chẳng những đẹp, mà còn đặc sắc và thú vị.
Nhớ ngày “ông Táo về trời”
Thả cá chép tiễn “ông Táo về trời”
Phần đông người Việt quan niệm, ông Táo định đoạt phúc đức cho gia đình vì ông Táo nắm hết mọi việc trong nhà, để ông phù trợ được nhiều điều may mắn trong năm mới thì phải chuẩn bị lễ tiễn ông Táo tươm tất. Lễ cúng tiễn ông Táo thông thường không bó buộc, tùy theo gia cảnh của mỗi nhà mà cúng, chứ không câu nệ phải thịnh soạn hay chỉ làm sơ sài. Ngoài mâm cỗ, người ta chuẩn bị thêm tiền mã, muối, gạo, bộ ba ông Táo hoặc hình ông Táo và 2 cận thần… Sau lễ cúng, người ta rút hết chân nhang đem đốt, hàm chứa ý nghĩa tẩy uế và tái sinh với những mong cầu mới mẻ, ý nghĩa cho cuộc sống. Kế tiếp, tùy theo phong tục, có người thả cá chép ra sông, đốt ngựa giấy, vùng nông thôn có nhà thay cả cà ràng mới, bếp nấu mới. Người miền Nam chuộng ăn ngọt nên đa phần đều nấu nồi chè giản dị, thêm dĩa bánh kẹo là trở thành mâm cỗ tiễn ông Táo. Cúng ông Táo phổ biến nhất là chè trôi nước, loại bánh dẻo thơm được nhào kỹ từ bột, bột bao lấy cục nhân đậu xanh đã ngào với đường, qua công đoạn “bảy nổi ba chìm” mới được cho vào nồi nước đường nấu với vài lát gừng vị cay the nhẹ nhàng. Ngay cái tên cũng thể hiện sự mong muốn của người dân cho mọi việc được thuận lợi, trôi chảy, suôn sẻ trong một năm sắp tới. Hương vị bốn mùa, tâm tư của người dân đều gửi gắm vào trong đó cùng với sự khéo léo, đảm đang của mẹ, của chị luôn được tiếp nối qua bao đời.



Đời sống ngày càng hiện đại, dù có thay thế dần bếp củi, bếp trấu, bếp than, gas, điện… thì ngày đưa "ông Táo về trời" hàng năm vẫn tồn tại trong nếp sống của mỗi gia đình. Ngày đó nhắc nhở một cái Tết nữa sắp kề bên và nhắc người ta nghĩ về những việc đã làm sau một năm bộn bề với công việc. Vì nềm tin vào ngày tiễn ông Táo nên đây là dịp các gia đình quây quần bên nhau, nhắc nhở nhau cách ăn ở, những được - mất để tiếp tục phấn đấu trong năm tới. Tết chỉ bắt đầu từ ngày "ông Táo về trời". Thật vậy! Từ ngày 23 tháng Chạp, chợ trở nên đông đúc hơn, ngày ngày đàn ông dọn dẹp nhà cửa, phụ nữ lo dưới bếp, đi chợ sắm sửa. Sau khi trang hoàng lại “nhà” (gian bếp, chỗ thờ) cho ông Táo, lau chùi lọ nghẹ sạch sẽ, người ta cũng bắt đầu dọn tuần tự mọi thứ trong ngôi nhà cho đến ngày rước ông bà. Không khí Tết càng đến gần và rộn rã!
Source: ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét