Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Sự sám hối không bao giờ là chậm trễ

 Sự sám hối không bao giờ là chậm trễ



Một vị thiền sư trước khi lâm chung đã bày tỏ sự sám hối về những việc đã từng làm trong suốt cuộc đời của mình, cũng là lời cảnh báo cho tất cả những người đã và sẽ bước đi trên con đường tu luyện.

Vị thiền sư ấy là một người bạn thâm giao nhiều năm của tôi, mắc phải bệnh nan y, trong thiền định mà đối mặt với cái chết, cũng như tham ngộ về cái chết.

Vốn là bạn tốt của nhau, trước lúc ông qua đời, tôi thường xuyên đến thăm và lắng nghe những lời chỉ bảo từ ông ấy. Mỗi lần tôi đến, thấy ông luôn ngồi ngay ngắn, trên gương mặt tiều tụy luôn mỉm cười.

Chúng tôi ngồi xuống nói chuyện, ông nói: “Cả một đời của tôi đắm chìm trong hư danh. Tuy nhìn bề ngoài rất có tiếng tăm, cũng xuất bản sách, cũng có người theo tôi học Phật, nhưng tôi biết rõ, bản thân mình vốn không thật sự giác ngộ, cũng không thấy được chân ngã của mình, bây giờ nghĩ lại mới thấy tưởng thông minh lại bị thông minh hại”.

Tôi nói: “Các đấng tôn sư xưa nay, chẳng phải cũng có những người đã đắc Đạo trước lúc lâm chung hay sao?”

Ông nói: “Đó là người đại căn khí, buông bỏ vạn duyên, tâm hồn thanh tịnh, không giống loại tiểu căn khí như tôi. Cả đời này của tôi, chính vì rất thông minh, rất có tài, rất có tình, vì vậy mà có quá nhiều thứ không thể buông bỏ được.”

Tôi lại hỏi: “Thế ông gần đây tu luyện thế nào vậy? Mỗi lần tôi tới, đều thấy ông đang ngồi thiền, tôi cũng không đành lòng quấy rầy ông, chỉ đứng ở bên ngoài niệm Phật, cầu nguyện cho ông!”

Thiền sư cười nhạt một tiếng, nói: “Cảm ơn ông! Về chuyện sinh tử, khi nào chết, thậm chí kiếp sau đầu thai nơi nào, tôi đều đã biết được”.

Tôi nói: “Thế chẳng phải là ông đã tu được rất cao rồi sao, ông đã biết được khi nào sẽ chết, đầu thai nơi nào, vậy mà còn chưa khai ngộ sao?”

Thiền sư có chút hổ thẹn nói: “Đấy chỉ là chút bản sự cỏn con, không con chút quan hệ gì với khai ngộ cả, càng không có quan hệ với việc tìm được chân ngã của mình. Từ khi 3 tuổi, tôi đã có thể nhớ lại nhân duyên đầu thai của mình. Đời này của tôi từ sớm đã biết rõ bản thân ‘sống đến từ đâu’, một đời tu hành chỉ là muốn biết được ‘chết đi về đâu’.

Bây giờ có thể biết rõ ngày chết, cũng biết sau khi chết sẽ đi về đâu, chẳng qua vẫn là luân hồi làm chúng sinh trong Tam giới. Cái kiểu tu hành qua loa này nếu đem so với việc đắc Đạo hoặc khai ngộ hoặc tìm lại được chân ngã của mình thì hãy còn xa lắm”.

Tôi hỏi: “Vậy sao gần đây ông tinh tấn tu hành vậy?”

Thiền sư nói: “Một lòng sám hối những nghiệp chướng đó, tịnh hóa từ trong tâm. Tôi là một người sắp chết, mong sao trước khi chết, thanh lọc nội tâm mình, mấy tháng nay tôi không ngừng sám hối.

Tôi sám hối cho những nghiệp chướng tôi đã tạo ra, sám hối cho những việc làm sai trái mà tôi đã phạm phải. Sám hối bản thân mình đã không tận hiếu thật sự, sám hối bản thân mình đã làm tổn thương người thân bạn bè, sám hối bản thân đã từng nói rất nhiều lời ngông cuồng, sám hối bản thân đã từng miệng nói một đằng, tâm nghĩ một nẻo, sám hối vì tôi đã làm tổn thương về tâm hồn đối với những cô gái đã từng yêu tôi, sám hối những lời dối trá đối với đồng tu…”.

Thiền sư đã nói nhiều sự tình cần phải sám hối như vậy, lúc nói ông còn chảy nước mắt. Ông nói với tôi: “Một người, trước khi lâm chung mà thành tâm sám hối, chính là buông bỏ gánh nặng, nhẹ nhàng mà lên đường”.

Nói đến câu này, ông nở nụ cười. Ai cũng biết “lên đường” là có ý gì.

Ông muốn tôi tìm một cái thau bằng sắt thật lớn rồi mang những bản thảo trong suốt một đời của ông, cao chừng 1 mét, đốt trước mặt ông.

TuVienHoPhap Email

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét