Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

CẢM NHẬN SAU 10 NGÀY HÀNH THIỀN - Thích Viên Thành

CẢM NHẬN SAU 10 NGÀY HÀNH THIỀN

(Tại Trung Tâm Thiền Vipassana Blue Mountain Sydney)
Vài nét dẫn nhập



Do nhiều ý thức hệ, cuồng tín, đầy tham sân si, lo hướng ngoại tìm cầu, muốn chứng tỏ “bản ngã”, hưởng thụ và làm bá chủ, hơn là đem hạnh phúc cho số đông, khiến con người quay cuồng trong “ngũ dục” và chiếm hữu, đang tất bật khai thác “lòng tham, sân, si”, với bao nhiêu sự “kích cầu” đã cho chúng ta chứng kiến không biết bao thảm cảnh đau lòng, tuy có nhiều tiến bộ về khoa học văn minh vật chất, nhưng về mặt tinh thần thì hụt hẫng, suy đồi đạo đức và bạo động gia tăng đáng kể, chiến tranh, khủng bố diễn tiến không ngừng, thiên tai lũ lụt, động đất, sóng thần xảy ra khắp nơi trên toàn cầu. Mặc dầu con người được bảo hộ và trang bị mọi thứ, kiến thức cũng như nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại, nhưng cảm giác bất an vẫn canh cánh bên lòng. Đời sống vật chất của con người ngày càng sung mãn nhưng tinh thần thì đầy căng thẳng, lo âu sầu muộn và không thỏa mãn với những gì hiện có.

Chỉ có biết xoay nhìn lại, khám phá ngay trên thân tâm mình, nơi một vũ trụ thu nhỏ, thì mới mong tìm ra lối thoát. “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” là vậy, nên Đức Phật ra đời là vì hạnh phúc an lạc cho chúng sinh và Ngài thuyết pháp dạy tu là nhằm giải thoát khổ đau cho cuộc đời. Trong đó, pháp thiền “Tứ niệm xứ” và “Vipassana” giúp ta “quán chiếu lại tâm mình”. Đức Phật đã trải nghiệm, được chứng đạo, thấy nhiều lợi ích nên đã truyền lại cho chúng đệ tử, vượt biên giới sang tận Miến Điện, để đến đời Thiền sư U Ba Khin, Ngài làm Tổng Bộ Trưởng của nhiều bộ thuộc chính phủ Miến Điện, Ngài đã dùng thiền Vipassana để tu và giúp chính phủ điều hành guồng máy viên chức được trong sạch, rất nhiều kết quả, đệ tử là Ngài Guruji S.N.Goenka một “Kỷ nghệ gia và là thương gia giàu có nhất Miến Điện”, sau nầy trở thành “thiền sư - cư sĩ” giản dị mà vĩ đại, người cũng đã dùng thiền Vipassana để tự chữa dứt căn bệnh “nhức đầu kinh niên” mà các BS giỏi ở khắp nơi đã đầu hàng, phải chỉ trị bằng “bạch phiến” để giảm đau tạm thời.

Sau khi tu thiền Vipassana lành bệnh, Ngài S.N.Goenka đã thấy rõ cuộc đời đầy đau khổ, và vô thường, dù giàu có như Ngài vẫn phải chịu sự chi phối của sinh, lão, bệnh, tử, chỉ có Phật Pháp là nhiệm mầu trường cữu và pháp thiền Vipassana là lợi ích thật sự. “Ngài đã phục hưng dòng thiền Vipassana tại Ấn Độ và xiển dương pháp tu này trên khắp thế giới bằng hình thức phi-tôn-giáo, với hơn 170 trung tâm thiền Vipassana chính thức trên thế giới được hình thành, và giảng dạy bằng 25 ngôn ngữ khác nhau.

Chính hình thức phi tôn giáo nầy, đã giúp cho nhiều người, nhất là những người từ các tôn giáo khác đến một cách thoải mái, hòa hợp, đạt được an lạc, lợi ích từ lời dạy của Đức Phật.

Với một doanh nhân trí thức, thấy được nhiều lợi ích thiết thực của thiền Vipassana, nên thiền sư S.N. Goenka cũng đã đào tạo được khoảng 1.500 thiền sư phụ tá để giảng dạy hàng ngàn khóa thiền tại hơn 90 quốc gia. Con số thiền sinh tham dự là hơn 100.000 người với trên 1.500 khóa thiền trên thế giới mỗi năm”. Đúng là một sự hoằng truyền Phật Pháp một cách âm thầm, không phô trương hình thức, đúng theo lời dạy của Đức Phật trong Kinh Kim Cang: “nếu dùng âm thanh để cầu ta, dùng sắc tướng để thấy ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai” Phật tại tâm, nên “theo dõi hơi thở và quán chiếu cảm giác” là kéo tâm trở về với thân, không cho tâm dong ruỗi bên ngoài, tuy là quay vào trong, nhưng rất là thực tế, thành công, nhiều lợi ích đến với loài người mọi sắc tộc, nhất là các nước phát triển văn minh hiện đại.

Đạo Phật là đạo như thật, đạo của chân lý, đạo“vô ngã” như vậy, là người con Phật, chúng ta phải thấy như thật, để nói như thật và hành xử như thật cũng như phải diệt trừ “bản ngã”. Thiền Vipassana giúp ta thấy sự việc đúng như thật, cũng là một “nghệ thuật sống” không phô trương “bản ngã” mà giúp cho mọi người chúng ta có cơ hội nhìn lại những gì đang xảy ra trong hiện tại, ngay bây giờ và tại đây, để hóa giải hết mọi khổ đau trong cuộc sống

Muốn tu theo thiền Vipassana phải chấp nhận theo những nội quy nghiêm ngặt như sau:

*Thiền sinh sống trong phạm vi của trung tâm, không liên lạc với bên ngoài.

*Thiền sinh tránh không đọc hoặc viết, tạm ngưng những lễ nghi tôn giáo hoặc các phương pháp thiền khác.

*Hằng ngày thiền sinh tuân theo một thời khóa biểu nghiêm túc gồm 10 giờ ngồi thiền, 1 giờ 30 nghe pháp thoại, xen lẫn với những giờ nghỉ.

*Thiền sinh phải giữ im lặng tuyệt đối và không liên lạc với những người đồng khóa (chỉ trao đổi những điều cần thiết với thiền sư phụ tá và ban quản lý.

Tại Úc châu các tiểu bang đều có Trường Thiền, riêng tại Sydney có Trung Tâm Thiền Vipassana tại Blue Mountain với sức chứa khoảng 150 thiền sinh trong một khóa tu 10 ngày, mỗi tháng 2 khóa, là tương đối đầy đủ tiện nghi nhất. Ở đây hằng năm đã có một số Phật Tử người Việt hành trì theo nhiều năm rồi, thấy có kết quả tốt, nên đã hy sinh thời gian quý báu của mình đứng ra vận động, tổ chức cho cộng đồng người Việt tham gia tu tập, có thông dịch ra tiếng Việt và một vài sinh hoạt riêng theo sắc tộc của mình, đến nay đã được 7 năm, nên rất thuận tiện cho những ai chưa rành tiếng Anh. 

Ý thức được rằng: "Giải thoát chỉ có thể đạt được qua tu tập chứ không phải qua bàn luận" hội đủ đủ duyên lành, nên Viên Thành đã tranh thủ về Trung Tâm Thiền Vipassana ở Blue Mountain, Sydney để tham dự được hai khóa Thiền 10 ngày.

Tuyển Phật trường là đây không nào khác
Hàng trăm người hằng tháng đến tập tu
Nhiều tuổi trẻ và lắm người thành đạt
Cũng mười ngày cùng yên lặng công phu


Rất đáng khâm phục và đầy trân trọng, khi trong Trường Thiền với những chàng trai cô gái trẻ và những người thành đạt, của nhiều sắc tộc, tôn giáo, thành phần xã hội, đã chịu từ bỏ những thú vui và những cám dỗ hưởng thụ của đời thường, để vào đây chấp nhận những “thanh quy” gắt gao: hoàn toàn “tịnh khẩu” trong 10 ngày, 4 giờ khuya thức dậy, khoanh chân ngồi “thiền” liên tục hết đợt nầy đến đợt khác cho đến 9 giờ 30 tối mới được đi ngủ. Ăn uống thanh đạm hoàn toàn “chay” và không ăn chiều.
Nếu không có được sự nỗ lực và quyết tâm cao, thì nội cái “thanh quy” cũng đã làm nhiều người ngán ngẫm rồi, đến khi vào “hành thiền” thì sự đau đớn, khó chịu của việc yên lặng ngồi khoanh chân hàng mấy giờ đồng hồ trong thiền đường với hàng trăm người ngồi bất động yên phăng phắc, cũng có nhiều vị đã bỏ chạy sau một hai ngày thực tập, vì không chịu nỗi những quy định và sự hành trì xem vẽ bề ngoài rất ư là đơn giản và buồn tẻ, khó chịu nầy.

Thắng trăm vạn quân không bằng tự thắng mình
Bao nhiêu hưởng thụ buông xả nguyện hy sinh
Ngồi thiền yên lặng thanh trai dùng đạm bạc
Hỷ lạc mười ngày lợi ích đáng tôn vinh


Tuy vậy, khi ta vào “hành thiền” mới thấy được sự “dũng cảm”, đúng với câu mà Phật đã dạy: “Thắng trăm vạn quân, không bằng tự thắng mình, tự thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất”. Với những người có nghị lực và dũng khí, chịu đựng được qua ba ngày đầu, ngồi “theo dõi hơi thở” gom “sức chú ý” vào một điểm nhỏ trước mũi trên môi trên, một cách bền bỉ liên tục trong an tịnh, sáng suốt và chú tâm là đã “tự chiến thắng mình” rồi, từ đây ta đã theo dõi được tâm, sẽ được đền bù lại sự nhẹ nhàng thanh thản đầy an lạc, từ đó phấn khởi tiếp tục trọn khóa tu, khi nhiếp và có được tâm an tịnh ta sẽ hanh thông được mọi điều. Giống như vào được “sơ thiền” ly sanh hỷ lạc.

Qua ngày thứ 4, thiền sư sẽ cho tất cả thiền sinh bước qua giai đoạn thiền Vipassana, quan sát “cảm giác”. Ngày thứ 4,5,6 quán sát từng phần, từng khu vực, hết đầu, mặt đến tay phải, tay trái, ngực, bụng dưới, lưng trên, lưng dưới, đến hai chân và toàn thân, từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên một cách liên tục, để tìm chỗ nào có “cảm giác” sẽ dừng lại từ 1 phút đến 5 phút quán chiếu thấy rõ nhưng không có phản ứng nào, ngày thứ 7,8,9 quán sát theo “luồng luân lưu thông suốt” theo tuần tự từ trên đỉnh đầu, xuống đến tận dưới từng đầu ngón chân và ngược lại.

Giữ tròn 5 “giới” quán sát liên tục bền bỉ cũng như với sự minh mẫn, chú tâm cao, xem như đã vào được “định” ta sẽ có được “trí tuệ” tuyệt vời, để nhận biết rõ được sự “khổ”, “vô thường”, “vô ngã” của vạn pháp mà không ái dục, đắm nhiễm, lục căn không dính mắc với lục trần, ta sẽ an nhiên giải thoát, giống như vào được “nhị thiền” định sanh hỷ lạc và sẽ đạt đến “niết bàn tịch tịnh”.

Khi luồng “luân lưu thông suốt” không còn thấy cảm giác và chướng ngại ở bề mặt của thân, ta hãy đi sâu và xuyên qua từng phần của cơ thể từ trước ra sau, từng cặp đối xứng, từ trên xuống dưới và ngược lại, rồi ngừng lại ở những nơi không có cảm giác hoặc có nhưng thô trược, xơ cứng để quán chiếu cho đến khi nào nó tan biến đi mới thôi, đó là thuận theo định luật sanh diệt, cái gì có sinh ra ắt sẽ tan biến đi. Đó mới chỉ là những cảm giác thô trược bên ngoài, còn lại với tầng tầng lớp lớp các phiền não, với nhiều đời nhiều kiếp đã gieo tạo, được tích chứa trong tàng thức sẽ lần lần lộ ra, ta cứ tiếp tục quán chiếu với “tâm bình thản, quân bình” không một phản ứng, nếu có phản ứng thì những “cảm giác” nầy sẽ sinh sôi nẩy nở thêm rất nhiều.

Khi ta không có một phản ứng nào, những vô minh phiền não nầy sẽ lần hồi xuất hiện rồi biến mất và cứ thế ta an nhiên bình thản “quán chiếu” nhẹ nhàng lột dần từng lớp, cho đến khi nào sạch sẻ, cuối cùng vô minh cũng tự tan biến, “sức chú ý quán chiếu” như ánh nắng mặt trời xuất hiện thì mọi tối tăm sẽ lui dần vậy, ta hoàn toàn giải thoát.

Đến ngày thứ 10, là ngày cuối cùng, với sự an lạc và lợi ích đã đạt được, thiền sư sẽ hướng dẫn cho toàn thể thiền sinh thực hiện pháp “thiền tâm từ”. Mọi năng lượng qua 10 ngày tu tập, giờ đây ta nguyện hồi hướng về cho pháp giới chúng sanh, cho bản thân ta và toàn thể hết khổ đau, nhiều hạnh phúc và tràn đầy sự an lạc giải thoát. Ta sẽ thấy nhẹ nhàng và vô cùng sảng khoái, ánh quang minh xuất hiện, tận tường khổ, tập. diệt, đạo, hiểu và thương chúng sanh, khiêm cung với tất cả, rất hoan hỷ sẵn sàng chia sẻ những sở đắc và lợi lạc quần sanh.

Mười ngày yên lặng hùng tráng ghê
Ai không chịu nỗi đã bỏ về
Mười hai tiếng đủ ngồi thiền định
Chiến thắng ma quân tỏ Bồ đề


Vài cảm nhận sau khóa Thiền Vipassana:

1/ Không thờ phượng hình tượng nên rất bình dị, mọi sắc tộc, tôn giáo có thể gần gũi hòa quyện với nhau cùng tu tập dưới một thiền đường rất là hòa hợp và thanh tịnh, đúng là một đoàn thể “tăng thân”.

2/ Không “thu phí” (free) tất cả, từ ăn ở đến học phí, để cho mỗi “thiền sinh” xem như đang đi “xin ăn” mà luôn lo quán chiếu, tu tập, bào mòn dần “bản ngã”, thể hiện đúng tinh thần “trì bình khất thực” hằng ngày của Đức Phật khi còn tại thế. Đến cuối khóa nếu thiền sinh nào thấy có lợi ích, an lạc thì cũng cần chia sẻ lại cho người đến sau, thì tùy hỷ phát tâm đóng góp.

3/ Tuy không thờ phụng Phật, nhưng trước khi vào khóa tu, tất cả thiền sinh đều phải trải qua giai đoạn Quy Y Tam Bảo: trở về nương tựa với sự Giác Ngộ, Sáng Suốt của tự tâm, đó là quy y Phật, trở về nương tựa với sự Chân Chính, Lợi Ích, đó là tự quy y Pháp, trở về nương tựa với sự Thanh Tịnh, Hòa Hợp, đó là tự quy y Tăng. Tất cả đều trở về với tự tâm thanh tịnh hằng sẵn có nơi mỗi người, chứ không phải quy y với một ai khác và

Thọ Trì Năm Giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không gian dối, không dùng những chất say nghiện. “thiền sinh cũ” thêm ba giới nữa: - Không ăn quá ngọ.- Không tham gia các trò giải trí nhằm tìm khoái cảm và không trang điểm.- Không ngủ trên giường cao và sang trọng.

Nhờ sự Quy Y và Thọ Trì nầy mà an ổn cho ta tu được trọn khóa, đạt được nhiều lợi ích thiết thực. Đúng với bản hoài của chư Phật là “nhơn Giới sinh Định, nhơn Định phát Huệ” và lợi ích cho số đông, chứ không phải chỉ riêng cho tôn giáo hay tín hữu của mình mà thôi.

4/ Pháp dùng “sức chú ý” để “theo dõi hơi thở” và “quán chiếu cảm giác” mục đích là để kéo tâm về lại với thân, không cho chúng chạy nhảy, phá phách lung tung. Khi đã nhiếp được tâm, thì vào định rất dễ dàng, tỏ được mọi điều, thấy được an lạc và hanh thông mọi chuyện đúng với lời Phật dạy: “chế tâm nhứt xứ, vô sự bất biện” là vậy. 

5/ Những vị “thiền sư phụ tá” rất ư khiêm cung. Trước khi hướng dẫn vào khóa thiền, hai vị Thầy và Cô đều mời quý Tu Sĩ đến để đảnh lễ sắp xếp cho cùng ngồi trên bục cao của từng vị và xin phép được ngồi trên bục cao để hướng dẫn thiền và trả lời các câu hỏi của thiền sinh, theo dõi suốt các thời khóa thiền.

6/ Ăn uống rất thanh đạm, nấu chế theo công thức khoa học, phục vụ những món ăn uống xem như những vị thuốc để ngăn ngừa bệnh hoạn thời đại: huyết áp, tiểu đường, mỡ trong máu, không ăn chiều để nhẹ nhàng và cho bao tử nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc.

7/ Sự “Im Lặng” trong 10 ngày rất ư là lợi ích, vừa bào toàn được năng lượng, vì: “khẩu khai thần khí tán, lưỡi động thị phi sanh”, vừa giúp cho mọi người đều phải chú tâm vào mình và pháp tu, vì không nói chuyện được với ai, vừa giữ được sự thanh tịnh trong đạo tràng, khi tu, khi ăn, khi nghỉ, đều yên lặng, trông thấy thật là một sự thanh thoát hào hùng.

8/ Trong thiền đường cũng có rất nhiều kiểu kệ, ghế để đáp ứng lại nhu cầu của thiền sinh bị dị tật hoặc không ngồi kiều kiết hay bán già được, nên cũng rất thoải mái cho mọi người muốn vào tu. Tạo cơ hội cho mọi người đến mà Khai Thị Ngộ Nhập Phật Tri Kiến.

9/ Trong Trường Thiền cũng có chuẩn bị một tòa nhà với nhiều phòng “thất” nhỏ để cho những vị “cựu thiền sinh” muốn vào “tu thêm” ngoài những thời tu chung, để phát huy tối đa và tận hưởng niềm an lạc, lợi ích của mình qua thiền hành.

10/ Ai qua khóa tu cũng thấy rõ được sự: “sinh, trụ, dị, diệt” trong tự thân, ngộ được tam pháp ấn: “khổ, vô thường, vô ngã” trong cuộc đời, nên rất minh mẫn, sảng khoái, nhiều hạnh phúc. Vì vậy pháp tu “thiền tâm từ” ban rải tình thương và sự biết ơn, chia sẻ đến với chúng sanh vạn loại, thật là tuyệt vời. Đúng vậy, sau 10 ngày tu tập đúng pháp, mỗi người sẽ cảm nhận được nhiều lợi ích và đầy sự an lạc, rất muốn sẻ chia, nên “thiền tâm từ” đáp ứng đúng tâm nguyện của mọi người.

Đức Phật ra đời hoằng truyền chánh pháp “dẹp trừ bản ngã” làm lợi ích cho tất cả chúng sanh được an lạc, thoát khổ đau, chứ không phải để thành lập “tôn giáo” hay làm “giáo chủ” để phải sanh ra nhiều “vọng tưởng, phân biệt, chấp trước” gây khổ lụy cho đời. Nên với Ngài Goenka chủ trương “phi tôn giáo” và không phô trương “bản ngã” là đúng với bàn hoài chư Phật vậy.

Tại Úc, Blue Mountain, Sydney, nơi núi rừng yên tỉnh, khí hậu rất tốt, gần giống như Đà Lạt của VN, nên vào mùa hè School Holiday là thích hợp và đông đảo nhất. Mỗi tháng có 2 khóa tu 10 ngày dành cho các sắc tộc chủ yếu nói tiếng Anh, cộng đồng người Việt một năm đăng ký tổ chức một lần, thời gian tùy theo từng năm BTC chọn lựa, sẽ có thông báo trước vài tháng trên

http://sites.google.com/site/vnvipassana

báo Nhân Quyền để cộng đồng biết mà đăng ký.
Hoặc ai có nhu cầu, email về: info@bhumi.dhamma.org, vipassana.viet@gmail.com,
hay điện thoại để được hướng dẫn đến:

THI PHAN- Mb (+61 )042262.8074, Home: (+61) 02.9621.8532.
MICHAEL THU LE- Mb (+61) 042.146.8074, Home: (+61) 02.96438254.


Tại Mỹ và Châu Âu cũng có những Trung Tâm Thiền, tại Việt Nam có TX Ngọc Thành ở H. Thủ Đức, Sài Gòn và Trường Thiền Vipassana tại Củ Chi, TV Phước Sơn hoặc các Thiền Viện hay những nơi dạy Tu Thiền Tịnh khác ở khắp nơi, ai tìm hiều rồi đến tu sẽ tìm lại được sự bình ổn cho tâm hồn.
Tu hành là mong cầu được giác ngộ, giải thoát, nhưng "Giải thoát chỉ có thể đạt được qua tu tập chứ không phải qua bàn luận" và giáo Pháp của Đức Phật nói ra để hành chứ không phải để nghiên cứu hay tôn thờ.

Vậy rất mong được nhiều người cùng biết, để đến những nơi đây hoặc những đạo tràng tu tập khác hành trì, trải nghiệm một đôi lần, tốt hơn nữa, mỗi ngày trước khi đi ngủ và khi thức dậy, thiền hành từ 30 phút đến 1 giờ để cảm nhận được sự an lạc và sẻ chia niềm hạnh phúc nầy đến với tất cả. 

Mười ngày yên lặng tịnh thiền
Thâm sâu quán chiếu mật miên hành trì
Trí tuệ sáng phát từ bi
Thương cho sanh chúng sân si với đời
Tùy hỷ chia sẻ cuộc đời nở hoa


An Lạc thất, Nam Úc những ngày cuối năm 2015
Thích Viên Thành, xin được sẻ chia.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét