Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Tin tức Phật giáo Thế giới (tuần thứ 2, tháng 01, năm 2011)



Khu di tích Lâm Tì Ni (Nepal) Photo: UN News
Khu di tích Lâm Tì Ni (Nepal) Photo: UN News
TRUNG QUỐC: Thiếu Lâm Tự mở rộng ở ngoại quốc
Gần đây, Sư Yongxin - Trụ trì chùa Thiếu Lâm của Trung quốc kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn Thiếu Lâm Tự - cho biết rằng: Thiếu Lâm Tự đã trực tiếp kiểm soát hơn 40 công ty ở các thành phố nước ngoài.
Ông nói hiện nay họ đang có hơn 40 công ty tại Luân Đôn, Bá Linh và các thành phố nước ngoài khác. Đồng thời họ còn gián tiếp điều hành thêm một số công ty nước ngoài nữa.
"Ban đầu chúng tôi thuê nhà ở hải ngoại để thu nhận học viên. Sau đó chúng tôi mua nhà thế chấp khi đã có một số tiền", Sư Yongxin nói. "Khi đã trở nên khá giả hơn, chúng tôi bắt đầu mua đất và xây nhà cho chính mình. Chúng tôi làm như vậy để tự tạo sự bình đẳng cho bản thân trong môi trường nước ngoài".
Sau khi Thiếu Lâm Tự bắt đầu mở rộng ở nước ngoài, Sư Yongxin nhận thấy đôi khi việc nghiên cứu Phật giáo được quan tâm nhiều hơn ở nước ngoài so với ở nội địa Trung quốc. Để minh chứng minh quan điểm này, ông kể lại lần ông đến Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, ông đã được thư viện cho xem không những một số sách Phật giáo từ thời Minh và Thanh mà còn cả một số tranh in giấy của Thiếu Lâm Tự nữa.
(People's Daily Online - January 10, 2011) 
Yongxin
Các phóng viên bao quanh Sư Yongxin tại Diễn đàn Quốc tế về Công nghiệp Văn hóa tại Bắc Kinh, tháng 01- 2011 - Photo: China Daily

NEPAL: Bắt đầu dự án bảo tồn Lâm Tì Ni
Một nhóm các nhà khảo cổ học quốc tế đã bắt đầu một cuộc khảo cứu 3 năm về các phế tích khảo cổ của Lâm Tì Ni, sinh quán của Đức Phật, ở Nepal.
Lâm Tì Ni là một điểm đến hành hương nổi tiếng thế giới của Phật giáo, và là một Di sản Thế giới của UNESSCO từ năm 1997.
Được chính phủ Nhật Bản tài trợ, và với sự phối hợp của văn phòng UNESCO tại thủ đô Kathmandu của Nepal, dự án nhằm quy hoạch các cơ sở hành hương thích hợp để không làm hỏng đi những bảo vật còn nằm ẩn bên dưới mặt đất.
Nhóm khảo cổ gồm các chuyên gia từ Cục Khảo cổ và Ban Quản trị Phát triển Lâm Tì Ni, được chỉ đạo bởi Giáo sư Robin Coningham - chuyên gia khảo cổ của UNESCO.
"Dự án này cung cấp một cơ hội duy nhất để khảo cứu một số giai đoạn phát triển sớm nhất của một trong các truyền thống tôn giáo lớn nhất thế giới, và sẽ đưa được bằng chứng khoa học mới vào cuộc tranh luận xung quanh ngày sinh của Đức Phật," ông Coningham nói.
(ANI January 12, 2011)

TRUNG QUỐC: Lễ hội Laba tại Bắc Kinh
Ngày 11-01-2011, Đền Lạt ma Yonghegong ở Bắc Kinh đã phục vụ Cháo Laba miễn phí trong Lễ hội Laba.
Lễ hội Laba là một lễ hội truyền thống Trung Hoa, được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng Chạp Âm lịch. Tại Trung quốc, theo phong tục thì đây là ngày ăn Cháo Laba.
Theo văn học, các vị lạt ma của Đền Lạt ma Yonghegong thường bắt đầu nấu cháo vào ngày mồng 1 tháng Chạp Âm lịch. Và họ sẽ cung cấp cháo Laba miễn phí cho tín đồ vào ngày mồng 8 tháng Chạp. Các nhà sư cũng sẽ cầu nguyện xung quanh các nồi cháo. Mặc dù mỗi gia đình đều tự nấu cháo của mình, nhưng một số người lại muốn có được cháo nấu từ Đền Lạt ma để được may mắn. Về sau, việc cung cấp cháo miễm phí trở thành một truyền thống quan trọng.
Trước thời nhà Tần (221-206 trước Công nguyên), Lễ hội Laba là lễ mừng một vụ thu hoạch mới. Sau khi Phật giáo truyền đến Trung Hoa trong thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, lễ hội này được mang ý nghĩa kỷ niệm sự giác ngộ của Đức Phật khi Ngài ở tuổi 35. Trong triều đại nhà Thanh, các nghi lễ cho lễ hội Laba được tổ chức lần đầu tiên tại Đền Lạt ma ở Bắc Kinh.
(chinadaily.com.cn - January 11, 2011)
laba
Cháo Laba, món ăn truyền thống vào dịp Lễ hội Laba của Trung Hoa - Photo: chinadaily.com.cn

ẤN ĐỘ: Phim tài liệu về Đường tăng Huyền Trang
Cuộc hành trình dài 17 năm đến Ấn Độ vào năm 629 sau Công nguyên của Huyền Trang, nhà sư Trung Hoa nổi tiếng, là chủ đề của một phim tài liệu mới của nhà làm phim Ấn Độ Ravi Verma.
Phim có tựa đề là "Hridaysutram", sẽ được quay tại Lộc Uyển, Lâm Tì Ni, Patua, Thành Vương Xá, Phật Đà Da và Ayodhya. Phim được lấy cảm hứng từ chuyến đi của sư Huyền Trang đến Ấn Độ. Sau đó nhà sư trở về Trung Hoa với 3 bản sao của kinh Phật và dịch chúng sang tiếng Trung Hoa.
Nhà làm phim Verma là một Phật tử. Ông sinh tại bang Bihar của Ấn Độ, và nay ông đã chuyển cơ sở của mình đến Hoa Kỳ. Ông dự kiến sẽ hoàn thành phim tài liệu của mình trong 6 tháng nữa.
Ông Verma nói rằng phim tài liệu này sẽ thể hiện chi tiết các khía cạnh khác nhau của cuộc đời Đức Phật, nhưng điểm tập trung chủ yếu sẽ nói về nhà sư Huyền Trang - người đã du hành đến Ấn Độ để thỉnh các bản chân kinh Phật giáo và dành cả cuộc đời mình để sao chép chúng.
(PTI - January 13, 2011)  

TÍCH LAN: Công bố về Hội thảo Quốc tế để phục hưng Phật giáo
Qua cuộc thảo luận tại Văn phòng Thủ tướng vào ngày 12-01-2011, Thủ tướng D M Jayaratne đã công bố về một cuộc Hội thảo Quốc tế để bảo đảm một sự phục hưng các hoạt động Phật giáo tại Tích Lan.
Sự kiện này sẽ trùng với Phật lịch Giác ngộ 2600.
Hội trưởng Hội Phật giáo của Pháp là Thượng tọa Tiến sĩ Thampalawela Dharmaratana sẽ là Chủ tịch hội thảo, và Chủ tịch Hội Phật giáo Los Angeles (Hoa Kỳ) là Thượng tọa Godakalane Gunaratana sẽ giữ vai trò Thư ký hội thảo.
Cuộc hội thảo Phật giáo sẽ tìm các phương pháp và phương tiện để đưa cuộc sống mới vào các hoạt động Phật giáo tại quốc đảo Tích Lan.
Họ cũng được giao phó nhiệm vụ cao quý để truyền bá Phật Pháp khắp thế giới. Hiện diện tại cuộc thảo luận này còn có các vị cao tăng của Hội và Trung tâm Phật giáo tại Ấn Độ, Nhật Bản, Thụy Điển cùng các quan chức Tích Lan.
(Sri Lanka News - January 13, 2011)
Int
Thủ tướng D M Jayaratne và các quan chức Tích Lan cùng các tu sĩ Phật giáo hàng đầu tại cuộc thảo luận - Photo: Sri Lanka News
Diệu Âm lược dịch

Phòng Tin Tức Phật Sự Hoa Kỳ và Thế Giới - HoPhap.Net
Source:  http://www.hophap.net/hp/?15659=5&596=62&759=1773&59615=4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét